Theo đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đon vị, các địa phương tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, gắn trách nhiệm người đứng đầu và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chủ động bám sát, nắm chắc tình hình và chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, lĩnh vực được giao quản lý; Cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở với tinh thần “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục tích cực, khẩn trương và hiệu quả”. Cùng với đó, tăng cường đầu tư vật tư, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó khi có sự cố, thiên tai xảy ra; Tránh tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị, thiếu phương án bổ sung. Công tác thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để xứ lý tình huống kịp thời, do đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về công tác trực ban phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Khi có thiên tai xảy ra, yêu cầu các địa phương, đơn vị có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo của tỉnh, huyện, khẩn trương phân công lãnh đạo đơn vị bám, nắm chắc địa bàn cơ sở để chỉ đạo công tác phòng chống, đồng thời duy trì nghiêm chế độ báo cáo.
Bên cạnh việc rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, UBND huyện cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, nhận định, đánh giá khả năng chống chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai và nguy cơ, mức độ bị ảnh hưởng đối với từng khu vực trên địa bàn; nhất là các công trình thủy lợi, đê điều, công trình, hồ, đập, các tuyến đường giao thông đường bộ… cần được thường xuyên kiểm tra, rà soát, tiến hành gia cố, sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn. Tập trung rà soát, nắm bắt số lượng tàu, thuyền, lồng bè, nhà bè nuôi trồng thủy sản; đặc biệt phải rà soát và kiểm soát chặt chẽ các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt cần phải di rời dân khẩn cấp mới phát sinh trên địa bàn để kiên quyết có phương án di rời dân đến nơi an toàn ngay để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Cùng với đó, tổ chức cắt tỉa cây xanh, nạo vét kênh tiêu, kiểm tra vận hành cống dưới đê, hệ thống thoát nước trong khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản, kiểm tra hạ tầng kỹ thuật trong đô thị không để xảy ra tình trạng ngập lụt diện rộng, kéo dài và xử lý dứt điểm các vị trí có khả năng ngập lụt cục bộ. UBND huyện cũng yêu cầu các chủ đầu tư các dự án, nhà thầu đang thi công các công trình, dự án trên địa bàn huyện khẩn trương xây dựng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình và các khu vực dân cư, công trình tiếp giáp, nhất là đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.
Mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu. Những diễn biến bất thường của thời tiết ngày càng nhiều, phức tạp, khó lường, sức ảnh hưởng ngày càng rộng, lớn. Chính vì vậy việc chủ động phòng hơn chống của mỗi địa phương, đơn vị và từng hộ gia đình sẽ giúp giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: vandon.quangninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc